Quốc lộ 55

Chủ đầu tư:  Ban quản lý dự án QL 55

Thi công:  Công ty Cổ Phần ĐTXD 886-Thành Nam 

 Vị trí:   Bình Thuận

Gói thầu: Phân đoạn Km96+300 – Km110+000; Phân đoạn Km96+300 – Km205+140; Phân đoạn Km96+300 – Km158+500 và Km186+868 – 205+140

Giá trị: 117,313,935,741 VNĐ

Năm thực hiện: 2010

 

Quốc lộ 55 hiện hữu dài 96 km, được xây dựng trong những năm 1984 – 1987, có điểm đầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm cuối là ngã ba 46 (thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân). Từ khi đưa vào khai thác đến nay, quốc lộ 55 đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển dân sinh, kinh tế – xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ các huyện phía Nam tỉnh Bình Thuận và phía Bắc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lên Đà Lạt vẫn phải đi vòng theo quốc lộ 20 (ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai) hoặc quốc lộ 28 (Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) hoặc quốc lộ 27 (tỉnh Ninh Thuận), cản trở không nhỏ đến sự phát triển.  

Trước yêu cầu phát triển, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án quốc lộ 55 nối dài với tổng mức đầu tư 931 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2008-2011. Theo thiết kế, quốc lộ 55 nối dài có điểm đầu là km 96+300 (ngã ba 46, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), cắt quốc lộ 1A, đi qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, đến đầu thị trấn Lạc Tánh, bám theo tuyến đường Lạc Tánh-La Ngâu, huyện Tánh Linh, điểm cuối là km 205+140 (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) với chiều dài 103,6 km. Đây là vùng có nhiều tiềm năng về đất đai, khoáng sản, du lịch sinh thái rừng… rất phong phú và đa dạng, nhưng chưa được khai thác hiệu quả.  

Nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Mùa mưa, lũ một số đoạn tuyến bị sạt lở, làm ách tắc giao thông. Sản phẩm của nông dân vận chuyển không kịp thời, tiêu thụ khó khăn, nên bị tư thương ép giá.  

Để sớm phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần vào việc chống suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư; Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Bình Thuận khẩn trương triển khai dự án. Trong đó, sớm khởi công đoạn: Tà Pao-Đa My. Đây là đoạn duy nhất nối huyện Tánh Linh với huyện Hàm Thuận Bắc ngắn nhất, nhưng thường bị ách tắc.  

Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, đoạn tuyến từ cầu Tà Pao đến xã Đa My chiều dài 28 km với mức đầu tư 110 tỷ đồng đã được mở thầu vào 19/5/2009, dự kiến khởi công vào tháng 6/2009. Việc khởi công dự án quốc lộ 55 nối dài không chỉ là mong mỏi của người dân trong vùng mà cả nhân dân các tỉnh bạn. Mặt khác, nó còn thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với đồng bào miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với thành thị.  

Dự kiến quốc lộ 55 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2011, rút ngắn 100 km so với hiện nay, do phải đi vòng theo quốc lộ 20 hoặc quốc lộ 27, quốc lộ 28. Hơn nữa, quốc lộ 55 sẽ cùng với quốc lộ 28 tạo thành mạng lưới giao thông đường bộ liên hoàn ở cửa ngõ phía Tây Bắc Bình Thuận, nối thông Nam Tây Nguyên với duyên hải Đông Nam Bộ, tạo động lực mới phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng không chỉ cho Bình Thuận mà cả Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với tốc độ nhanh. Có khả năng mở thêm các tour du lịch mới từ Vũng Tàu-Suối nước nóng Bình Châu -La Gi – hồ Biển Lạc – hồ Đa My – Đà Lạt và ngược lại, nối nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng.

 Khai thông tuyến còn là cơ hội giao lưu văn hoá giữa các dân tộc đang chung sống trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Công việc ở phía trước đối với Dự án quốc lộ 55 nối dài còn bề bộn và không ít khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chủ đầu tư, nhà thầu với chính quyền địa phương nơi tuyến đường đi qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *