Chủ đầu tư: Liên doanh IDICO Sông Đà – BIDV, Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
Thi công: Công ty Cổ Phần ĐTXD 886-Thành Nam
Vị trí: Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Gói thầu: XL51-10 phân đoạn Km 47+00-:-Km 51+717,26
Giá trị: 57,618,000,000 VNĐ
Năm thực hiện: 2010
Kết nối TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu với các cảng biển nước sâu, cảng hàng không lớn nhất nước, tuyến đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông – Vận tải, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu có điểm đầu tại nút giao với tuyến tránh TP. Biên Hoà thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, 2 điểm cuối tại đường nối ra khu vực cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải và eo Ông Từ thuộc địa phần tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ điểm đầu Dự án đến Km30 tuyến sẽ đi bên trái và cách Quốc lộ 51 khoảng 1 – 2 km, từ Km30 trở đi tuyến tránh Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 và đi theo đường vành đai Phú Mỹ đến khi kết thúc tại điểm đầu của tuyến đường nối Quốc lộ 51 xuống cảng Cái Mép.
Tổng chiều dài toàn Dự án là 77,56 km, gồm phần đường cao tốc chính tuyến được thiết kế theo quy mô đường cao tốc loại A dài 69,66 km và đoạn nối Phú Mỹ – Quốc lộ 51 được thiết kế theo quy mô đường cấp II dài 7,9 km. Dự án được phân kỳ theo 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn I chỉ đầu tư xây dựng toàn tuyến thành đường 4 làn xe, chiều rộng mặt đường dao động từ 25,5 đến 27,5 m; giai đoạn II sẽ mở rộng đoạn đường cao tốc từ Biên Hoà tới Phú Mỹ dài 39 km thành đường 6 làn, rộng 33 – 35 m và đoạn nối Phú Mỹ tới Quốc lộ 51 thành đường 6 làn xe, rộng 31 – 32,5 m.
Theo tính toán của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông – Vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) – tư vấn lập dự án, tổng mức đầu tư của Dự án là khoảng 16.033 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 8.733 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.276 tỷ đồng…
Ông Phạm Văn Hiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu (đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án theo hình thức BOT) cho biết, tổng mức đầu tư này có thể sẽ tăng lên đáng kể nếu tính cả lãi suất vay trong thời gian thi công.
Do Dự án hiện mới chỉ dừng ở bước lập đề xuất đầu tư, nên những thông số quan trọng nhất của một dự án đầu tư theo hình thức BOT như: phương án huy động vốn, lãi suất vốn vay, thời gian hoàn vốn chưa được xác định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù suất đầu tư lên tới 120 – 130 tỷ đồng/km tại Dự án là khá hợp lý nếu xét theo công năng và lợi ích mà tuyến đường cao tốc liên vùng phía Nam này mang lại.
Hiện giao thông giữa TP.HCM, Biên Hoà đi Phú Mỹ, Vũng Tàu chủ yếu được thực hiện bằng đường bộ thông qua Quốc lộ 51 (được xây dựng từ năm 1997 – 2001). Với tốc độ phát triển nhanh chóng của các cụm công nghiệp dọc tuyến như: Nhơn Trạch, Long Thành, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Bà Rịa, cùng cụm cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải dọc hai bên tuyến, đã khiến lưu lượng xe lưu thông trong khoảng 5 năm trở lại đây tăng đột biến, vượt quá khả năng thông xe của Quốc lộ 51.
Dự báo, với lưu lượng khoảng 40.000 xe tiêu chuẩn/ngày, khối lượng vận chuyển trên tuyến có khả năng đạt 40 – 50 triệu tấn vào năm 2011.
Ngay cả khi việc mở rộng Quốc lộ 51 từ 2 làn xe lên 4 làn xe dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2012, sự có mặt của tuyến đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu vẫn hết sức cần thiết để đảm bảo cho quá trình vận chuyển hàng hoá từ các cụm cảng biển nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu về Đồng Nai, TP.HCM và ngược lại.
Bên cạnh đó, tuyến đường cao tốc trên, nếu được triển khai sớm, còn góp phần đẩy nhanh sự ra đời của Sân bay quốc tế Long Thành. Với vai trò là cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, Dự án Xây dựng Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 58 tỷ USD được thiết kể để giảm áp lực vận tải theo đường hàng không cho Sân bay Tân Sơn Nhất, nhờ đó, cải thiện giao thông nội đô TP.HCM.
Không chỉ các hoạt động vận tải được hưởng lợi, tuyến đường cao tốc cũng sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM như: Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ…